“Canh bạc lớn” của Tổng thống Trump khi tấn công Iran

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đánh cược lớn khi ra lệnh không kích ba cơ sở hạt nhân quan trọng của Iran, trong bối cảnh không thể đoán trước được phản ứng của Tehran và ảnh hưởng đến cục diện thế giới.

Ngày 21/6 (giờ Mỹ), ông Trump tuyên bố quân đội Mỹ đã tiến hành tập kích các cơ sở hạt nhân tại Fordow, Natanz và Esfahan với mục tiêu làm tê liệt năng lực làm giàu uranium của Iran, qua đó ngăn chặn mối đe dọa hạt nhân từ nước này.

Đây là lần đầu tiên kể từ Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, một tổng thống Mỹ trực tiếp chỉ đạo không quân tấn công các cơ sở trọng yếu tại Iran. Hành động này được coi là bước ngoặt lớn, đánh dấu sự can thiệp trực tiếp của Mỹ vào cuộc xung đột giữa Iran và Israel, đồng thời chấm dứt những nỗ lực ngoại giao mà ông Trump từng theo đuổi với Tehran.

Theo truyền thông Mỹ, ông Trump kỳ vọng cuộc không kích sẽ buộc Iran quay lại bàn đàm phán hạt nhân trong bối cảnh đối thoại giữa hai bên đang rơi vào bế tắc. Ông tuyên bố nếu Iran không đồng ý đàm phán, các đòn tấn công tiếp theo sẽ còn mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, Iran đã phản ứng ngược lại kỳ vọng của ông Trump. Chính quyền Tehran chỉ trích cuộc tấn công là vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa đáp trả và đã phóng tên lửa vào nhiều thành phố ở Israel, gây thiệt hại lớn.

Giới phân tích nhận định ông Trump đã chơi một ván cờ mạo hiểm với an ninh khu vực và cả di sản chính trị của ông, bởi hậu quả của chiến dịch quân sự này là khó lường.

Brett McGurk, cựu điều phối viên về Trung Đông dưới thời Tổng thống Biden, nói rằng không ai có thể dự đoán chắc chắn tình hình sẽ đi theo hướng tích cực hay tiêu cực.

Dù bị Israel tấn công liên tục suốt hơn một tuần, Iran được cho là vẫn còn một kho tên lửa lớn có thể đe dọa các căn cứ Mỹ trong khu vực, đẩy Mỹ vào một cuộc chiến mới.

Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi khẳng định Iran giữ quyền sử dụng mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền và người dân, nhưng chưa nêu rõ chi tiết.

Trực thăng MH-60S trên tàu sân bay USS Carl Vinson ở Trung Đông hồi tháng 4.
Trực thăng MH-60S trên tàu sân bay USS Carl Vinson ở Trung Đông hồi tháng 4.

Ông Trump cảnh báo Iran nếu đáp trả sẽ bị Mỹ tấn công mạnh hơn. Tuy nhiên, theo bình luận viên Stephen Collinson của CNN, chương trình hạt nhân là biểu tượng danh dự quốc gia của Iran, nên khả năng lãnh tụ tối cao Ali Khamenei bỏ qua là rất thấp.

Ngoài khả năng đáp trả quân sự trực tiếp, Iran còn có thể phong tỏa eo biển Hormuz – tuyến vận chuyển dầu mỏ trọng yếu – gây ra khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Họ cũng có thể nhắm vào các đồng minh của Mỹ tại Vùng Vịnh hoặc sử dụng các lực lượng ủy nhiệm tại Iraq và Syria để tấn công lực lượng Mỹ.

Bất kỳ phản ứng nào cũng có thể kéo theo đòn đáp trả từ Washington, dẫn đến nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh quy mô lớn giữa hai nước.

Mỹ rõ ràng không muốn sa lầy vào một cuộc chiến mới ở Trung Đông sau hai thập kỷ chiến sự tại Iraq và Afghanistan. Trong suốt nhiệm kỳ, ông Trump nhiều lần tuyên bố không để Mỹ bị cuốn vào các cuộc chiến mới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 21/5.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 21/5. 

Dù ông Trump cho rằng chiến dịch không kích sẽ diễn ra nhanh gọn, nhưng thực tế có thể phức tạp hơn nhiều. Ngay trong nội bộ phong trào MAGA – lực lượng ủng hộ chính của ông – cũng đang có chia rẽ về việc can thiệp quân sự vào Iran. Một số đồng minh chính trị có thể rời bỏ ông nếu cho rằng cuộc không kích không đem lại lợi ích thiết thực cho nước Mỹ.

Chiến dịch quân sự này cũng có nguy cơ gây tranh cãi giữa chính phủ và quốc hội Mỹ. Các nghị sĩ Dân chủ cáo buộc ông Trump vi phạm Hiến pháp khi tấn công Iran mà không thông qua quốc hội, từ đó có thể đẩy nước Mỹ vào một cuộc xung đột không mong muốn.

Collinson cho rằng hành động này sẽ khiến những người lo ngại về quyền lực quá lớn của tổng thống thêm phần lo lắng, và có thể châm ngòi cho những cuộc tranh luận, thậm chí kiện tụng pháp lý trong tương lai.

Bình luận viên này nhận định ông Trump đã từ bỏ nguyên tắc từng cam kết là chấm dứt các cuộc chiến tranh ở Trung Đông dựa trên thông tin tình báo không chắc chắn.

Trước đó, ngày 18/6, ông Trump tuyên bố Iran chỉ còn vài tuần nữa sẽ sở hữu vũ khí hạt nhân và khẳng định ông sẽ không để điều đó xảy ra. Ngày 20/6, ông còn phản bác giám đốc tình báo Mỹ Tulsi Gabbard – người từng nhận định Iran chưa đạt đến mức độ đe dọa hạt nhân.

Dù bà Gabbard sau đó nói phát biểu của mình bị trích dẫn sai ngữ cảnh và rằng bà đồng ý với ông Trump, nhưng nhiều nguồn tin khẳng định tình báo Mỹ vẫn giữ nguyên đánh giá cũ.

Collinson kết luận rằng ông Trump đã đẩy nước Mỹ vào một hướng đi mới đầy rủi ro, với niềm tin rằng nguy cơ từ một Iran sở hữu vũ khí hạt nhân lớn hơn hậu quả mà cuộc tấn công có thể gây ra.

Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ Cộng hòa lại ủng hộ quyết định của ông Trump, cho rằng đó là hành động cần thiết. Nghị sĩ Don Bacon ca ngợi ông đang “bảo vệ nước Mỹ”, trong khi nghị sĩ Andy Harris cho rằng đây là minh chứng cho “hòa bình nhờ sức mạnh”, thể hiện quyết tâm bảo vệ đồng minh và ổn định toàn cầu của Mỹ.

About Post Author